Phế Đô
Phan_51
Ông già không tức giận, vừa kéo xe đi, vừa đọc mấy câu vè:
Nhà văn loại một dựa vào chính giới
Bám theo công chức làm công sai
Nhà văn loại hai chơi vượt rào
Giúp nhà doanh nghiệp soạn quảng cáo
Nhà văn loại ba in ấn lậu
Đổi sách dâm ô lấy tiền tiêu
Nhà văn loại bốn bụng đói meo
Giữ đạo văn chương sống thanh cao
Nhà văn loại năm in thì ngán ngao
Đít mình mình gãi biết làm sao?
Chiều hôm ấy Ngưu Nguyệt Thanh và Liễu Nguyệt đi đến nhà chủ tịch uỷ ban thành phố. Chủ tịch bận đi họp, vợ ông và Đại Chính nhiệt tình đón tiếp hai người, liền tỏ lời xin cưới, bảo ngày này tháng sau. Liễu Nguyệt đến đây không còn là khách nữa, còn phu nhân nhà con lần sau đến thì Liễu Nguyệt sẽ là chủ nhà đứng ra chiêu đãi bà mối lớn. Ngưu Nguyệt Thanh nghe vậy, nét mặt tự nhiên hớn hở. Bà vợ ông chủ tịch lại nói, bố mẹ Liễu Nguyệt không ở trong thành phố, mà gia đình bên ấy lại tốt với Liễu Nguyệt như vậy, thì coi như là gia đình bố mẹ đẻ, đến ngày cưới, theo phong tục gia đình nhà gái phải sắm đồ cưới, xe đón dâu sẽ sang bên ấy đón cô dâu.
Trong bụng Ngưu Nguyệt Thanh còn đang băn khoăn, nhưng ngoài miệng thì tươi cười đáp đương nhiên, đương nhiên là như thế. Bà vợ ông chủ tịch liền vui vẻ:
- Đương nhiên như thế thật sao? Anh chị đã là người làm mối, lại còn phải bỏ tiền sắm đồ cưới, vậy chẳng phải để người ta chê cười gia đình chúng tôi hay sao? Không cần anh chị bỏ một xu vào đồ cưới. Đại Chính sai người đưa đồ cưới sang trước, đến hôm ấy sẽ khiêng về cho đẹp mặt.
Ngưu Nguyệt Thanh liền vui vẻ đáp:
- Cho dù Đại Chính khiêng đồ cưới sang trước, thì chúng tôi cũng không để Liễu Nguyệt ra đi với hai bàn tay không! Bên này đã suy nghĩ chu đáo như vậy, đã dành cho chúng tôi thể diện lớn, tôi và Trang Chi Điệp có mong cũng chẳng được vĩnh viễn làm gia đình mẹ đẻ của Liễu Nguyệt.
Hai người đàn bà đã nói chuyện với nhau bằng quan hệ thông gia, toàn là công việc cần phải ra tay sắm sửa của đàn bà, đại loại như mua sắm những đồ đạc dụng cụ gì, kiểu dáng ra sao, màu sắc thế nào, chiêu đãi những bạn bè thân thích nào, chiêu đãi ở đâu, mỗi mâm giá bao nhiêu, ai làm phù dâu, ai đứng ra điều khiển lễ cưới, ai làm chủ đám cưới…Cứ thế kể lể ra, bàn hết một buổi chiều. Cuối cùng Ngưu Nguyệt Thanh mới vô tình nói ra mục đích chủ yếu nhất của buổi gặp gỡ hôm nay. Chị kể lại tường tận nguyên nhân của vụ kiện, nét mặt nhăn nhó ca thán những nỗi khổ đã phải chịu đựng từ khi có vụ kiện đến giờ, liền nhấn đi nhấn lại quả thật bế tắc không có lối ra mới tìm đến cầu xin chủ tịch cứu giúp. Khi nói những lời này, Ngưu Nguyệt Thanh không nhìn vào mặt phu nhân chủ tịch, nhịp độ rất nhanh, nói qua rồi lại cảm thấy lộn xộn, liền nhắc lại. Trong bụng thầm nghĩ, mình đã muối mặt, không dám nhìn vào nét mặt bà ấy, nếu nhìn thấy bà ấy tỏ ra khó xử trên nét mặt, mình sẽ không nói tiếp được, chờ khi mình nói một mạch cho hết sự việc, nếu bà ấy trả lời nước đôi, thì mình sẽ lập tức đứng dậy ra về.
Cuối cùng chị đã nói xong, mặt đỏ bừng bừng, lại cất tiếng:
- Chà chà, tôi đã nói với bà những gì nhỉ, anh Điệp dặn tôi, chớ có nói việc này trước mặt bà, không hiểu sao tôi lại nói ra? Chuyện này xấu mặt lắm, bên ngoài họ xôn xao bàn tán về anh Điệp, anh ấy suốt ngày buồn bực đứng ngồi không yên. Tôi nói điều này ra với bà, có lẽ ông bà cũng sẽ chê cười anh ấy!
Nhưng phu nhân chủ tịch lại cười bảo:
- Chuyện ấy có gì đâu phải xấu hổ, kiện cáo là việc bình thường. Những văn nhân như anh Điệp hay sĩ diện, có vụ việc này cũng không thấy anh ấy gặp bố của Đại Chính nói ra?
Ngưu Nguyệt Thanh đáp:
- Anh ấy ư, chỉ biết viết văn thôi, ra khỏi cửa cứ như gỗ như đá!
- Mấy hôm trước có vài người còn nói với tôi nhà văn thì trên trời dưới đất chả có chỗ nào không biết, chị sống với Trang Chi Điệp cuộc sống chắc là phong phú lắm.
- Trời, anh ấy viết sách toàn là bịa, thật ra trong cuộc sống chẳng hiểu cái gì, cuộc sống trong gia đình khô khan lắm. Bà cứ hỏi anh mà xem, ngoài viết văn ra anh ấy còn biết cái gì? Đừng nói so với chủ tịch thành phố, so với một trưởng phòng cũng không bằng, một cái hay che lấp trăm cái dở!
Phu nhân chủ tịch thành phố nói:
- Nhưng tôi có biết viết chuyện đâu, chị cũng không biết viết. Một người chủ tịch thành phố có thể bầu ra, chứ một nhà văn đâu có bầu ra được. Anh ấy là vàng của thành phố chúng ta đấy!
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Chao ơi, bà đánh giá anh ấy cao như vậy. Nhưng nhà chị Cảnh Tuyết Ấm kia đã kiện anh ấy, cứ cố tình làm anh ấy hôi thối!
Phu nhân chủ tịch bảo:
- Tôi xin nói với chị, không ai đánh đổ được mình trừ chính mình. Trong thành Tây Kinh không thể không có một Trang Chi Điệp. Kẻ nào muốn đánh đổ Trang Chi Điệp ,thì chủ Tịch thành phố cũng không tán thành.
Bà ta vừa lấy khăn lau ở nước trà trên bàn, vừa nói:
- Tôi sẽ nói chuyện này với bố của Đại Chính.
Ngưu Nguyệt Thanh thanh thản trong lòng, song cứ sợ bà vợ ông chủ tịch sẽ quên, nên lại bảo ông chủ tịch không giúp đỡ sẽ có thể gây hậu quả nặng nề. Bà ấy liền bảo:
- Tôi nhớ rồi. Liễu Nguyệt ơi, con vào trong tủ lạnh pha cho chị cả một cốc nước chanh mát.
Liễu Nguyệt bưng nước mát đi ra, nói:
- Chị cả ơi, hôm nay chị bôi bác thầy Điệp ghê quá. Người ta là nhà văn lớn, chị lại coi người ta không đáng giá một xu!
Bà vợ chủ tịch nói:
- Chị cả con đâu có bôi bác thầy Điệp, câu nào chị ấy chẳng khen cơ chứ!
Ngưu Nguyệt Thanh đáp:
- Tôi đã nói từ lâu lắm, kiếp sau có làm thân đàn bà, thì có chết cũng không lấy nhà văn.
Bà vợ chủ tịch nói:
- Đấy nhé, chỉ cần chị để lộ tin này, chị xem ở trong thành Tây Kinh có vô khối người định cướp anh ấy cho mà xem!
Ngưu Nguyệt Thanh đáp:
- Ai sẽ lấy anh ấy cơ chứ! Chỉ có thứ đàn bà ngốc nghe như tôi đây hồi ấy đã lấy anh ấy, bây giờ ai muốn lấy, tôi cứ cho họ lấy, tôi mừng tới mức chắp tay lạy Phật.
Liễu Nguyệt liền hỏi:
- Thật không? Có thật không?
Ngưu Nguyệt Thanh trợn mắt nẹt cô ta.
Lúc ăn cơm, Ngưu Nguyệt Thanh cứ khăng khăng không chịu ở lại ăn cơm. Chị còn đưa mặt ra hiệu cho Liễu Nguyệt nói giúp. Liễu Nguyệt cũng đành phải lên tiếng, bảo chị cả lo thầy Điệp ở nhà một mình, hai chị em phải về mau mau nấu cơm cho thầy.
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Không nấu cơm cho anh ấy, anh ấy đành phải ra quán ăn. Quán ăn ngoài phố bát đũa không sạch sẽ, ăn vào mắc bệnh thì khốn.
Bà vợ chủ tịch nói:
- Kệ xác anh ấy, mắc bệnh, thì tôi tìm cho chị một anh trưởng phòng mà sống. Chị chẳng đã nói lấy anh ấy chẳng bằng lấy một trưởng phòng là gì.
Ngưu Nguyệt Thanh liền cười. Bà vợ chủ tịch bảo:
- Từ lâu đã nghe nói chị là người vợ thảo hiền. Quả nhiên không sai, vậy thì tôi không giữ nữa. Đại Chính, con ra tiễn bà mối lớn của các con.
Nhưng Đại Chính ở nhà trong gọi Liễu Nguyệt. Liễu Nguyệt hỏi có việc gì, cứ đứng tại chỗ. Ngưu Nguyệt Thanh liền đẩy cô ta đi còn mình đứng ngoài hành lang với bà vợ chủ tịch, vẫn không thấy Liễu Nguyệt ra. Lúc cô ta đi ra, thì bà vợ chủ tịch hỏi:
- Liễu Nguyệt, con làm sao vậy, môi nhợt nhạt ra hả?
Liễu Nguyệt đáp:
- Con có sao đâu ạ?
Đại Chính cũng một bước ba lắc đi ra, sắc mặt đỏ gay, gọi:
- Mẹ ơi, mẹ ơi!
Bà vợ chủ tịch đột nhiên giơ nắm tay gõ vào trán mình, nói với Ngưu Nguyệt Thanh:
- Già rồi, già rồi, mình già tới mức chẳng còn ra làm sao nữa!
Ra đến ngoài phố, thì trời đã nhá nhem tối, Ngưu Nguyệt Thanh và Liễu Nguyệt cùng đi ra chợ đêm ăn cơm. Liễu Nguyệt hỏi:
- Vậy thì không về nữa, còn thầy Điệp thì sao?
Ngưu Nguyệt Thanh đáp:
- Kệ anh ấy, anh ấy bỏ mặc chị, thì chị cũng không có chỗ cho anh ấy trong trái tim nữa.
Chị mua hai bát vằn thắn, bốn cái bánh nhân thịt. Liễu Nguyệt nói:
- Em ăn một cái bánh nhân thịt là đủ, chị ăn được bao nhiêu?
Ngưu Nguyệt Thanh đáp:
- Ăn không hết, không dám để cho bữa sau được à?
Liễu Nguyệt hiểu ý, nói:
- Em ngốc quá, tại sao lại hỏi những câu thừa thế nhỉ?
Ngưu Nguyệt Thanh đã gõ đũa vào đầu Liễu Nguyệt. Về tới nhà trong phòng khách tối om, chỉ trong phòng sách có điện. Ngưu Nguyệt Thanh đi vào bếp, thấy nồi xoong lạnh ngắt, biết Trang Chi Điệp chưa nấu cơm. Liễu Nguyệt thì đi vào phòng sách, nói với Trang Chi Điệp đã đắp chăn nằm trên ghế da:
- Anh đoán thử bọn em đi đâu nào? Những việc cần làm chúng em đã làm xong.
Trang Chi Điệp hỏi:
- Thật à?
Liễu Nguyệt đáp:
- Chị cả ngoài miệng nói không đi, nhưng việc cần làm vẫn phải làm.
Trong phòng khách, Ngưu Nguyệt Thanh gọi:
- Liễu Nguyệt, Liễu Nguyệt! Mồm em dài vừa chứ! em nói với anh ấy cái gì vậy, để anh ấy coi chị là loại đàn bà chẳng ra gì phải không? Viên men để đâu, em tìm cho chị mấy viên, em cũng ăn đi. Tối nay ăn nhiều thịt quá, ban đêm sẽ chướng bụng khó tiêu.
Liễu Nguyệt cười bảo:
- Anh chưa ăn phải không, đem về cho anh hai cái bánh nhân thịt đấy!
Trang Chi Điệp đáp:
- Anh ăn rồi!
Ngưu Nguyệt Thanh lại gọi:
- Liễu Nguyệt, em còn rình ràng gì trong đó, sao không về đi ngủ đi?
Liễu Nguyệt đáp:
- Ngủ đây, ngủ đây.
Thấy Ngưu Nguyệt Thanh đã vào buồng ngủ, liền nói với Trang Chi Điệp:
- Tối nay anh lại định ngủ ở đây à? Trưa nay chị ấy khóc thảm thiết lắm, buổi chiều lại còn đi làm việc, anh phải vào động viên an ủi chị ấy chứ!
Nói xong trở về buồng ngủ của mình. Trang Chi Điệp suy nghĩ rồi bê chăn vào phòng ngủ. Ngưu Nguyệt Thanh đã tắt đèn. Trong bóng đêm, anh cởi quần áo, rồi vào buồng tắm lau rửa nửa dưới người, sau đó mò vào giường. Ngưu Nguyệt Thanh quấn tròn chăn quanh người, anh cứ cố chui vào, rồi nằm sắp lên. Ngưu Nguyệt Thanh không phản kháng, cũng không đón tiếp, anh cứ lặng lẽ làm động tác (tác giả cắt bỏ năm mươi hai chữ).
Trang Chi Điệp hết sức tỏ ra đam mê, cố ý ra vẻ bức xúc, liền gí mồm quết lưỡi chị, nhưng Ngưu Nguyệt Thanh cứ ngậm chặt môi, hơn nữa đầu lăn bên này bên kia. Trang Chi Điệp phì cười nói:
- Anh kể cho em nghe một câu chuyện, có một anh chàng háu ăn, ăn cơm, trong đĩa thức ăn có rau chân vịt xào với trứng chim cút. Anh ta lấy đũa gắp, trứng chim cút lăn sang bên này, lại gắp tiếp thì trứng lại trượt sang bên kia. Gắp đi gắp lại năm sáu lần vẫn không gắp được, anh ta đâm ra sốt ruột, gạt một cái, trứng văng ra đất, nhấc chân bước lên nhặt, vì cuống quýt giẫm nát cả trứng.
Ngưu Nguyệt Thanh cũng phì cười bảo:
- Vậy thì anh cũng giẫm chết em đi.
Trang Chi Điệp nói:
- Thôi nhé, coi như không có chuyện gì xảy ra, vợ chồng cãi nhau, hễ cứ ngủ như thế này là trời quang mây tạnh.
Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:
- Anh đã nghĩ ra rồi chứ, đã có lòng tốt rồi phải không?
Trang Chi Điệp im lặng. Ngưu Nguyệt Thanh lại nói:
- Nếu tối nay anh không vào, thì quả thật em hoàn toàn thất vọng đối với anh. Anh vào được là tốt, em có thể tha thứ cho anh một lần nữa, không nhắc tới chuyện cũ. Nhưng em phải rút ra bài học, phải đề phòng anh. Anh phải cắt đứt mọi qua lại với Đường Uyển Nhi. Nếu anh muốn đến nhà cô ta, em sẽ cùng đi, không được em cho phép, cô ta cũng không được đến nhà mình.
Trang Chi Điệp vẫn im lặng, chỉ mó máy. Ngưu Nguyệt Thanh bảo:
- Hôm nay sao anh hăng thế, em không hứng thú đâu. Anh phải kể chuyện cho em nghe cơ.
Chị đẩy anh xuống. Trong đêm tối, Trang Chi Điệp đực người ra một lúc, anh không có chuyện gì hay mà kể, liền bật điện bảo xem video.
Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:
- Những cái băng vàng vọt ấy ư?
Trang Chi Điệp đã bật mở máy, lập tức trên màn hình hiện ra những pha loạn xị bát nháo. Ngưu Nguyệt Thanh bảo:
- Đấy mà là người à? Chẳng khác gì một bày súc vật.
Trang Chi Điệp bảo:
- Trong nhiều gia đình trí thức cao cấp đều có loại băng này dành riêng cho các đôi vợ chồng xem trước khi lên giường, như vậy sẽ tạo ra một không khí cảm hứng. Em thấy thế nào, được chưa?
Ngưu Nguyệt Thanh giục:
- Tắt đi, tắt đi! Đó là chà đạp giày xéo lên con người.
Trang Chi Điệp đành phải tắt máy, trở lại giường (tác giả cắt bỏ ba mươi sáu chữ)
Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:
- Anh và Đường Uyển Nhi cũng như thế này chứ?
Trang Chi Điệp lại im lặng. Ngưu Nguyệt Thanh vẫn gặng hỏi. Anh đáp:
- Đừng nói những chuyện ấy, muốn chơi thì nói những chuyện chơi em ạ!
Lâu lắm Ngưu Nguyệt Thanh không nói gì, đột nhiên chị bảo:
- Không được, không được. Em không thể nghĩ đến chuyện ấy của các người, hễ nghĩ đến là em thấy buồn nôn.
Trang Chi Điệp dừng tại chỗ, và sau đó lăn xuống, khóc thầm.
Chương 34
Một hôm, vào lúc sáng sớm, Ngưu Nguyệt Thanh ra ban công phơi quần áo, chim bồ câu đậu trên sàn cửa sổ hót cúc cu. Thường ngày chị cũng thích con chim khôn nhỏ bé này, thấy lông trắng đo đỏ hót rất hay, chị liền đặt chậu xuống đến bắt, nô nghịch trên bàn tay một lát, chợt nhìn thấy trên chân chim bồ câu có một mẩu giấy nhỏ gấp lại. Chị liền gỡ ra xem, trên đó viết ba chữ "Em cần anh", lại được đóng một vòng tròn môi son. Ngưu Nguyệt Thanh lập tức ngẩn người, suy nghĩ chắc chắn đây là giấy hẹn gặp của Đường Uyển Nhi gửi đến. Chị liền lấy dây buộc chân chim bồ câu lại, ngồi ở phòng khách chờ Liễu Nguyệt đi mua dầu về. Liễu Nguyệt vào cửa, Ngưu Nguyệt Thanh liền cài then, một cái ghế tròn nhỏ, được để ở giữa nhà, từ buồng ngủ, chị lấy ra một cái roi đập bụi làm bằng da, bảo Liễu Nguyệt ngồi trên ghế tròn. Liễu Nguyệt nói:
- Em vào bếp rót dầu. Hôm nay đường phố đông người lắm, em không chen vào nổi, liền hét to có dầu, có dầu rồi! Thế là đám đông liên tách ra một lối đi.
Chị Thanh nói:
- Tôi bảo cô ngồi thì cô cứ ngồi vào!
Liễu Nguyệt bảo:
- Hôm nay chị cả làm sao thế? Em không ngồi đâu!
Ngưu Nguyệt Thanh giơ roi vụt, những sợi dây da xoè ra quật vào người Liễu Nguyệt. Liễu Nguyệt kêu thành tiếng, sắc mặt tái đi, hỏi:
- Chị đánh em à?
Ngưu Nguyệt Thanh đáp:
- Tôi đánh cô đấy. Tôi là chủ của cái nhà này, cô là người giúp việc, cô cấu kết với đàn bà hư hỏng bên ngoài làm hại nhà chủ, sao tôi không đánh được hả? Dù cho ông chủ tịch có đến đây cũng không dám ngăn cản. Cô nói đi, cái con đĩ Đường Uyển Nhi bán trôn đã đến đây bao nhiêu lần? Cô đã trải giường đắp chăn như thế nào, theo dõi canh gác ra sao?
Liễu Nguyệt cứ tưởng chị chủ vẫn còn cay cú, nên đáp:
- Sao em biết được thầy Điệp và Đường Uyển Nhi có chuyện ấy hay không có chuyện ấy cơ chứ? Lần trước em nói với chị như thế chỉ là tức mà nói thôi, song chị đã cho là thật, đã làm cho không khí gia đình rối tung rối mù lên rồi. Hôm nay chị lại chẳng hỏi rõ đầu cua tai nheo, cứ hùng hục lấy roi da đánh em! Kẻ giúp việc có hèn kém đến mấy, thì cũng là con người, chị đánh em đau thế này là định giết em phải không? Cho dù chị không coi em ra gì, không coi bố mẹ em làm nông dân ra cái gì, nhưng bây giờ em đã là người của gia đình chủ tịch uỷ ban thành phố, chị dựa vào điều nào luật nào mà đánh em hả?
Ngưu Nguyệt Thanh liền đưa con chim bị trói chân vào, lấy mẩu giấy vứt dưới chân Liễu Nguyệt, mắng:
- Tôi dựa vào những thứ này để đánh cô! Hàng ngày cô ở nhà, bồ câu do cô nuôi, thư do cô nhận, việc xấu xa nào chẳng thiếu được cô? Tôi không đánh cô thì cám ơn cô hay sao?
Cứ chửi một câu, chị lại vụt một cái, chửi một câu, lại vụt một cái, từng vết, từng vết đỏ trên cánh tay, trên chân Liễu Nguyệt. Liễu Nguyệt thầm nghĩ "Chết cha, chị ấy biết hết rồi!" rồi hốt hoảng, không nói cứng nữa, giơ tay nắm chặt roi da, bảo:
- Hai người yêu nhau, thì có liên quan gì đến em cơ chứ?
Chị Thanh hỏi:
- Yêu nhau như thế nào, hôm nay cô phải nói thật với tôi từng sự việc. Nếu cô không nói, tôi đánh cô xong còn nói chuyện này với mẹ con Đại Chính. Người ta nếu bằng lòng lấy cô, thì cô vào trong trụ sở uỷ ban nhân dân thành phố mà làm chuyện dâm loạn, nếu người ta không lấy, thì cô lột hết quần áo trên người, cút xéo về nơi rừng sâu núi thẳm Thiểm Bắc của cô.
Liễu Nguyệt liền khóc rồi kể hết, Trang Chi Điệp và Đường Uyển Nhi ngủ với nhau ở nhà như thế nào, hẹn gặp ở nhà Đường Uyển Nhi ra sao, nói cách chim bồ câu đưa thư như thế nào, trong thư có dấu môi son, có cả lông âm hộ. Để vui lòng chị cả giảm bớt lỗi lầm của mình, cô ta đã có nói có, không có cũng nói có. Lúc đầu Ngưu Nguyệt Thanh cũng nghi ngờ trong lòng, thành ra có nhiều tưởng tượng của mình. Nghe Liễu Nguyệt khai ra như vậy, trước mặt chị đã lần lượt hiện ra hàng đống hàng đống những bức tranh cụ thể chi tiết, lại cảm thấy chẳng thà không hay biết hay hơn, mà biết rồi lại không sao chịu nổi, liền sôi máu lên, thịt da run rẩy, trời đất quay cuồng. Chị hừ lên:
- Trời ơi, tôi mù, tôi điếc, sự việc đã đến mức này mà tôi không hề hay biết.
Chị trợn tròn hai mắt, nắm chặt hai tay, hai hàm răng va vào nhau cầm cập, chị nói với Liễu Nguyệt:
- Bây giờ chị còn gì nữa hả Liễu Nguyệt? Em nói đi, bây giờ chị chẳng còn gì nữa, chị trơ trọi một mình.
Liễu Nguyệt tụt khỏi ghế, quỳ trước mặt chủ nhà, nói:
- Chị cả ơi, việc này lẽ ra em phải nói với chị, nhưng em là kẻ hầu người hạ trong nhà, em đâu có dám nói với chị? Em nói ra thì lúc ấy chị có tin em không? Em đã giúp họ, đã tạo thuận lợi cho họ, em có lỗi với chị, chị hãy đánh em đi, hãy đánh chết em đi!
Ngưu Nguyệt Thanh quẳng roi đi, ôm Liễu Nguyệt khóc thảm thiết. Chị khóc xin Liễu Nguyệt cứ giận chị. Chỉ vốn định doạ Liễu Nguyệt, nhưng Liễu Nguyệt không nói thật, nên chị mới đánh. Chị nói:
- Chị chịu không nổi, chị đã đánh em, em tha thứ cho chị cả đáng thương này. Em có thông cảm hay không hả em?
Liễu Nguyệt đáp:
- Em thông cảm lắm.
Cô ta cũng khóc. Khóc một trận xong, Ngưu Nguyệt Thanh dần dần bình tĩnh lại, lau nước mắt, lau cả nước mắt cho Liễu Nguyệt. Liễu Nguyệt nói:
- Chị cả ơi, em dẫn chị đi, chị em mình đi tìm con đàn bà dâm đãng kia, xé nát cái mặt của nó ra!
Ngưu Nguyệt Thanh lắc đầu nói:
- Nó là cái thứ gì! Đồ bỏ chồng bỏ con đi theo người đàn ông khác, đã bỏ đi theo đứa khác rồi, còn rủ rê người đàn ông khác nữa, một thứ rẻ tiền hễ nhìn thấy đàn ông là lao vào, chị đánh nó làm gì cho bẩn tay? Nếu chị em mình đi tìm đánh nó, tin loan truyền đi, người người đều biết. Thầy Điệp em với nó thế nào thế nào, thì thầy Điệp mất thanh danh, mà nó thì được thơm lây. Trên đời có bao nhiêu người sùng bái thầy Điệp em, được gặp mặt một cái cũng khó, nhưng nó thì được ăn nằm với danh nhân cơ chứ! Hơn nữa, vài hôm nữa, em sẽ lấy Đại Chính, nhà mình xảy ra chuyện ấy thì còn mặt mũi nào đi gặp ông chủ tịch uỷ ban thành phố thông gia nữa hả em? Thầy Điệp em tuy đã làm tan nát lòng chị, anh ấy không cần đến tiền đồ, sự nghiệp, công danh và uy tín của mình, thì chị còn phải hết sức cứu vớt anh ấy. Chị sẽ chịu nhịn nhục không làm ầm ĩ ở nhà, nếu ra ngoài làm ầm lên, chỉ có thể làm cho anh ấy bất cần tất cả, càng nảy sinh tư tưởng cứ đòi chung sống với con mụ dâm đãng kia, vậy thì anh ấy cũng hết nốt. Anh ấy gian khổ phấn đấu tới mức xuất chúng cũng có phải dễ đâu hả em? Bây giờ chị cũng không cứu anh ấy gì đâu, chỉ cần anh ấy cải tà quy chánh, không bao giờ đi lại với con mụ dâm đãng kia là được. Cho nên, em ra ngoài chớ để lộ lời nói nào. Em cứ mặc kệ chị cãi nhau với anh ấy, làm ầm ĩ với anh ấy như thế nào, em không được lắm điều, cứ làm như không biết chuyện này, nhưng em còn quan tâm tới chị cả này, thì chị sẽ nói với em, trong trái tim chị em mình trong nhà, lại phải biết căn bệnh của anh ấy, chỉ có điều phải hết sức cảnh giác đề phòng, em hiểu ý chị nói chứ?
Lần đầu tiên Liễu Nguyệt phát giác Ngưu Nguyệt Thanh còn có tâm tư như vậy và tỏ ra đáng thương. Làm bà chủ trong nhà còn khó xử như thế đấy, cô ta liền gật đầu. Ngưu Nguyệt Thanh lại dặn dò một lúc như vậy sau đó bảo Liễu Nguyệt rửa mặt chải đầu, đánh phấn bôi son ra đi.
Liễu Nguyệt đã đến nhà Đường Uyển Nhi. Đường Uyển Nhi đang đứng ngồi không yên mong ngóng ra cổng. Nhìn thấy Liễu Nguyệt đến, bước lại gần cửa hỏi:
- Em từ nhà đến phải không? Có nhìn thấy thư chim bồ câu đưa đến không? Thầy Điệp không có nhà ư?
Liễu Nguyệt đáp:
- Thầy Điệp ở nhà, chị cả hôm nay sang bên Song Nhân Phủ, thầy Điệp bảo chị sang nhà nói chuyện.
Đường Uyển Nhi hớn hở, lấy kẹo trong hộp mời Liễu Nguyệt ăn, Liễu Nguyệt không ăn, chị ta cứ bóc ra nhét vào mồm Liễu Nguyệt và bảo:
- Kẹo này ngọt lắm, mút từ từ sẽ ngọt tận trái tim. Thầy Điệp ở nhà, sao không sai bồ câu đem thư đến, việc gì phải cử em đi cho mệt!
Liễu Nguyệt đáp:
- Em phải đến cửa hàng tương mì nhà Dương ở ngõ Đức Thắng mua bột mì và tương, cách đây không xa, tiện thể nhắn tin cho chị.
Nói xong là đi luôn. Đường Uyển Nhi cũng ăn diện tử tế, rồi đạp xe đến khu nhà tập thể hội văn học nghệ thuật.
Chương 35
Đường Uyển Nhi đêm ấy chia tay với Trang Chi Điệp về nhà thì Chu Mẫn đang ngồi uống rượu với một người tên là lão Hổ ở trong nhà. Lão Hổ là viên chức của một tập đoàn xí nghiệp mà Chu Mẫn quen biết khi làm dân công ở am ni cô, sau đó đã đến nhà mấy lần. Đường Uyển Nhi cũng miễn cưỡng quen biết. Chị ta liền cất tiếng chào, rồi cầm ghế ngồi bên cạnh nghe hai người nói chuyện.
Lão Hổ có khuôn mặt thớ thịt nổi thành cục, nhưng hai làn môi lại mỏng, nói năng khôn khéo. Đường Uyển Nhi đã nghe ra anh ta đang phỉnh phờ Chu Mẫn viết một cuốn sách cho ông chủ đã phất lên. Anh ta bảo ông chủ này phất tới mức tiền kiếm được không biết nên tiêu như thế nào, một lòng một dạ muốn được nổi danh, muốn tìm một người viết cho ông ta một quyển sách. Sách viết xong, ông tự lo in ấn xuất bản, chỉ yêu cầu ký tên ông, là có thể trả thù lao hai vạn đồng. Lúc đầu Chu Mẫn tỏ ra khó xử, anh bảo viết một quyển sách đâu có dễ, viết xọng lại ký tên người khác, thì luôn có cảm giác thiệt thòi oan uổng quá. Lão Hổ liền bảo, anh có phải nhà văn nổi tiếng đâu? Anh viết ra liệu có xuất bản được không? Cho dù xuất bản, thì được mấy đồng nhuận bút? Anh và Đường Uyển Nhi đang sống cuộc sống như thế nào? Tại sao không chớp cơ hội kiếm một ít tiền để ăn cho ngon ngủ cho sướng hả? Hơn nữa quyển sách này không yêu cầu anh viết nhiều viết dài, số chữ cứ chắp nối đủ hai mươi vạn là được, mất của anh bao nhiêu công sức cơ chứ? Bao nhiêu người đã gõ cửa tìm tôi, tôi cũng chưa đồng ý, chuyên dành cho anh món hời, mà anh lại tỏ ra thanh cao làm quái gì?
Chu Mẫn vội vàng giải thích không phải như vậy, anh vui vẻ nhận công việc đầu sai này, chỉ có việc đang vướng vụ kiện. Lão Hổ hỏi vụ kiện gì. Chu Mẫn kể ra tuồn tuột, lại bày tỏ cảnh khốn quẫn hiện nay của mình.
Đường Uyển Nhi nghe anh ta nói Trang Chi Điệp đã đi nhờ chủ tịch uỷ ban nhân dân thành phố can thiệp giúp đỡ, liền bảo:
- Chu Mẫn ơi, anh đừng có uống nhiều rồi ăn nói lung tung. Trang Chi Điệp đâu có đi cửa sau với chủ tịch thành phố! Nói thế chẳng bôi xấu thầy Điệp, cũng liên luỵ đến chủ tịch thành phố đấy!
Chu Mẫn gạt phắt:
- Đàn ông nói chuyện, em đừng chõ miệng vào!
Đường Uyển Nhi tức quá, quay ngoắt người đi vào buồng ngủ. Nằm trên giường, chị ta còn dỏng tai lên nghe về vụ kiện. Chị ta nghe lão Hổ nói:
- Tôi cũng là một luật sư, tuy là nghề nghiệp dư, nhưng tôi đã giúp người ta kiện năm vụ nhưng chưa thua vụ nào. Vụ kiện này của anh coi là cái thá gì, mà phải đi cậy nhờ chủ tịch thành phố cơ chứ? Trang Chi Điệp không dám nói trước toà đã từng yêu, đã từng ăn nằm với người đàn bà kia, thì vẫn có cách đánh thắng vụ kiện này cơ mà!
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian